Rác Thải Pin Mặt Trời Nguy Hại Đến Mức Nào?

Pin mặt trời là thiết bị đang dần trở nên phổ biến với cuộc sống của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng mặt trời mang lại rất nhiều những lợi ích về mặt kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, khi những tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng phải thải loại thì điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Thậm chí, các nhà khoa học còn chỉ ra rằng, rác thải pin mặt trời còn nguy hại hơn cả chất thải hạt nhân.

>> Pin Mặt Trời Hữu Cơ Hybrid Và Polymer Đạt Kỉ Lục Về Hiệu Suất

>> Công Nghệ Pin Mặt Trời Màng Mỏng Của PAIC

Ồ ạt đầu tư năng lượng điện mặt trời

Theo quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, những dự án điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 sẽ được áp dụng mức giá mua điện 9,35 cent/kWh. Sau thời điểm trên, khả năng giá điện mặt trời sẽ giảm. Chính vì thế, một số doanh nghiệp như Trí Việt, Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), Bách Khoa Á Châu, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam,… đều tăng tốc đẩy nhanh tiến độ dự án để không lỡ mất cơ hội.

Việc đầu tư, xây dựng ồ ạt các nhà máy điện mặt trời là nguyên nhân gia tăng chất thải pin mặt trời
Việc đầu tư, xây dựng ồ ạt các nhà máy điện mặt trời là nguyên nhân gia tăng chất thải pin mặt trời

Điển hình, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam hiện đang tiến hành 2 dự án điện mặt trời tại Trà Vinh và Ninh Thuận với tổng công suất 2 nhà máy là 344MWh. Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) cũng đang có 3 dự án điện mặt trời tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có tổng công suất là 200 MWh. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang triển khai thực hiện một số dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ tại tỉnh Quảng Nam và năng lượng tái tạo mái nhà trong các khu công nghiệp Tp.HCM và tỉnh thành lân cận.

Tây Ninh là một trong những tỉnh thu hút đầu tư nhiều dự án điện mặt trời nhất cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 8 nhà đầu tư đang thực hiện triển khai 10 dự án điện năng lượng mặt trời tại 4 huyện bao gồm: Bến Cầu, Dương Minh Châu, Trảng Bàng và Tân Châu. Tổng công suất phát điện của tất cả các dự án là 808 MWh, tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án là 1.083 ha, trong đó, gần 900 ha sử dụng đất bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng, với tổng mức đầu tư là 19.646,4 tỷ đồng. Hầu như cho đến nay, tất cả các dự án đều đã được hoàn thành.

Rác thải từ pin mặt trời gây hại đến môi trường

Việc đầu tư ồ ạt các dự án điện mặt trời như hiện nay chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều những hệ lụy cho môi trường. Chất thải pin mặt trời được chia thành 2 loại đó là: chất thải từ việc sản xuất pin mặt trời và chất thải từ pin mặt trời sau khi đã hết tuổi thọ. Đây đều là những chất thải gây hại nghiêm trọng nếu chúng bị rò rỉ ra ngoài tự nhiên.

Rác thải pin mặt trời gây hại nghiêm trọng tới môi trường do sản xuất từ các vật liệu độc hại
Rác thải pin mặt trời gây hại nghiêm trọng tới môi trường do sản xuất từ các vật liệu độc hại

Crom (Chromium) và Cadimi (Cadmium) là 2 kim loại nặng được sử dụng trong việc sản xuất những tấm pin mặt trời. Đây đều là những kim loại gây nguy hại tới môi trường. Chất thải hạt nhân thì có lẽ chúng ta không cần phải bàn cãi về sự nguy hại của chúng nhưng chúng hoàn toàn có thể được chuẩn bị trước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu chất thải từ pin năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất pin mặt trời, người ta còn sử dụng thêm khí phosphine và axit sunphua rất độc hại. Việc tái sử dụng những vật liệu này là rất khó khăn và các tấm pin năng lượng mặt trời thường có vòng đời sử dụng ngắn.

Bên cạnh đó, chất thải hạt nhân mặc dù có rủi ro phóng xạ cao nhất nhưng chúng lại phân rã khá nhanh. Ngược lại, chất thải từ pin mặt trời vẫn còn tồn đọng trong môi trường với khoảng thời gian rất dài. Nếu lưu trữ những tấm pin thải loại tại các bãi rác tập trung thì sẽ gây ô nhiễm tới khu vực xung quanh.

Rác thải từ pin năng lượng mặt trời thậm chí còn nguy hại hơn cả chất thải hạt nhân
Rác thải từ pin năng lượng mặt trời thậm chí còn nguy hại hơn cả chất thải hạt nhân

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam cho biết, hầu hết các tấm pin mặt trời hiện nay được làm bằng Silic tương tự như các tấm kính. Thế nên, cách xử lí chỉ có thể là nghiền ra và đem đi chôn.

Nhận định về vấn đề này, ông Phan Trọng Khang, Quản lý các dự án điện mặt trời tại Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVN) chỉ ra rằng, khi những tấm pin mặt trời hết vòng đời, bắt buộc phải chôn dưới đất thì khu vực chôn cất sẽ không thể trồng trọt lương thực được, bắt buộc phải có quỹ đất riêng để xử lí việc này.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm khí nhà kính nitrogen trifluoride (NF3) tăng lên đáng kể, loại khí này mạnh hơn gấp 17.200 lần so với khí CO2.

Việc tiêu hủy và tái chế những tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng là một vấn đề mà nhiều quốc gia đang đau đầu tìm cách giải quyết. Đặc biệt là với những nước đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức,…khi chất thải pin năng lượng mặt trời ngày một tăng lên.

Theo đề xuất của các chuyên gia đầu ngành, Chính phủ nên có một chương trình để các chủ đầu tư có một khoản chi phí dự trù cho việc xử lí rác thải tấm pin năng lượng mặt trời khi chúng hết hạn sử dụng. Việt Nam cũng như trên thế giới nói chung đều hướng tới xây dựng một hệ sinh thái, môi trường xanh, sạch, trong đó, pin mặt trời trên danh nghĩa đem lại một nguồn năng lượng sạch thì không thể để chúng thải ra môi trường quá nhiều chất độc hại như vậy.

Một số đề xuất khác cho rằng, chúng ta nên hạn chế việc đầu tư ồ ạt quá nhiều các dự án điện mặt trời như hiện nay và tập trung nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải từ nguồn năng lượng này.

>> Top 10 Nhà Máy Điện Năng Lượng Mặt Trời Lớn Nhất Đông Nam Á

>> 10 Ứng Dụng Của Pin Năng Lượng Mặt Trời Trong Cuộc Sống

Bài toán xử lí rác thải pin mặt trời cần phải nhanh chóng tìm lời giải hợp lí trước khi Trái Đất của chúng ta bị lấp kín bởi những tấm pin. Những thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại mang tới chúng ta nhiều lợi ích nhưng cũng kéo theo vô vàn những hệ quả khó kiểm soát.

Nguồn: https://solarmcgroup.com/