Công Nghệ Pin Mặt Trời Màng Mỏng Của PAIC

Công ty Cổ phần công nghệ thông tin – viễn thông – tự động hóa dầu khí (PAIC) đã tiến hành triển khai dự án pin mặt trời màng mỏng thân thiện với môi trường. Dự án này góp phần giải quyết bài toán năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào, sạch và ít ảnh hưởng tới môi trường.

>> Pin Kim Loại Lỏng: Bước Đột Phá Mới Của Ngành Năng Lượng Tái Tạo

>> Ắc Quy Dùng Cho Hệ Thống Năng Lượng Mặt Trời Nên Chọn Pin Axit Chì Hay Lithium?

Pin mặt trời màng mỏng góp phần gia tăng năng lượng tái tạo

Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ thông tin – viễn thông – tự động hóa dầu khí (PAIC), TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết, năng lượng mặt trời hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ sản xuất pin mặt trời trong một vài năm trở lại đây đã có sự thay đổi rất nhanh, trong đó, công nghệ sản xuất pin mặt trời truyền thống sẽ dần được thay thế bằng công nghệ pin mặt trời màng mỏng có giá thành rẻ hơn nhiều lần.

Công nghệ sản xuất pin mặt trời màng mỏng có giá thành rẻ hơn so với công nghệ sản xuất pin mặt trời truyền thống
Công nghệ sản xuất pin mặt trời màng mỏng có giá thành rẻ hơn so với công nghệ sản xuất pin mặt trời truyền thống

Cũng theo ông Hùng, nước ta hoàn toàn có khả năng để nghiên cứu và phát minh công nghệ nguồn áp dụng cho sản xuất công nghiệp, giúp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời, giải quyết bài toán thiếu điện và giá điện ngày càng tăng cao.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là một trong những tập đoàn kinh tế mạnh, do đó, việc sở hữu công nghệ nguồn và kinh doanh hiệu quả dựa trên công nghệ nguồn là điều không quá khó khăn. PAIC đã lên kế hoạch nghiên cứu, đề xuất và được lãnh đạo PVN phê duyệt triển khai giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu, áp dụng phương pháp hóa hơi trong điều kiện áp suất khí quyển để sản xuất thử nghiệm pin mặt trời màng mỏng với số vốn đầu tư ban đầu gần 1 triệu USD, thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 13 tháng.

Hiện tại, dự án này đã xong giai đoạn 1. Kết quả nghiên cứu của dự án đã khẳng định việc chế tạo pin năng lượng mặt trời màng mỏng bằng phương pháp hóa hơi trong áp suất khí quyển có tốc độ nhanh hơn so với công nghệ chế tạo màng mỏng tại môi trường chân không.

Bên cạnh đó, phương pháp này tối giản hóa mọi công đoạn, nhanh gọn, ít tốn kém chi phí. Đây là những yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc giảm giá thành sản xuất pin mặt trời, cũng như giảm suất đầu tư, lí do là bởi việc tăng năng suất của dây chuyền sản xuất, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Pin năng lượng mặt trời màng mỏng có khả năng cạnh tranh cao

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, việc áp dụng công nghệ màng mỏng còn giúp hạ giá thành sản xuất một đơn vị công suất tới mức có thể cạnh tranh được với các dạng năng lượng không tái tạo khác. Hệ quả là có thể giảm suất đầu tư cho các dự án nhà máy điện mặt trời đến mức cạnh tranh được với thủy điện và nhiệt điện. Từ đó, giá điện mặt trời cũng sẽ dần được giảm xuống mức giá điện do năng lượng hóa thạch như than, khí đốt,… tạo ra. Ngoài ra, công nghệ mới này còn tận dụng được nguồn nguyên vật liệu sẵn có, vô cùng phong phú, thân thiện với môi trường của Việt Nam đó chính là cát.

Pin năng lượng mặt trời màng mỏng có khả năng cạnh tranh cao
Pin năng lượng mặt trời màng mỏng có khả năng cạnh tranh cao

Thông thường, quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ cho đến sản xuất đại trà sẽ trải qua 3 giai đoạn đó là: giai đoạn nghiên cứu phát triển và sản xuất thử nghiệm; giai đoạn tiền sản xuất công nghiệp và giai đoạn sản xuất công nghiệp.

Nếu giai đoạn 1 thành công, nếu được quan tâm, đầu tư thì chỉ khoảng từ 1-2 năm sau sẽ có sản phẩm thương phẩm được sản xuất đại trà. Khi sản phẩm được ra đời, chúng sẽ được ứng dụng rộng rãi vào trong cuộc sống. Công nghệ màng mỏng cho phép có thể phát điện tại những vùng có cường độ ánh sáng yếu.

Những tấm pin năng lượng mặt trời màng mỏng có thể lắp đặt tại các tòa nhà thông minh, thậm chí hộ gia đình, khu công nghiệp hay các phương tiện như: ôtô, tàu điện,… Chúng vừa hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo ra điện, vừa có thể đóng vai trò là một “lá chắn” ngăn được các tia cực tím có hại cho con người.

TS. Hùng cho biết thêm, để phát triển công nghệ nguồn và kinh doanh hiệu quả công nghệ nguồn thì phải có sự chung tay, vào cuộc của các cấp chính quyền thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về giá điện, đầu tư, cho vay lãi suất thấp. Từ đó, mới có thể cạnh tranh được với các nước trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, chúng ta cần phải tận dụng “chất xám” của người Việt Nam trong và ngoài nước. Cho đến nay, PAIC đã tập hợp một nhóm chuyên gia có trình độ kĩ thuật cao.

TS. Hùng khẳng định sản phẩm của PAIC sẽ cạnh tranh được với những sản phẩm hàng đầu trên thế giới bởi lẽ, việc nắm công nghệ nguồn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn giúp thu được lợi nhuận cao hơn so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài. Thêm vào đó, công nghệ của Việt Nam là công nghệ mới, tiết kiệm được nguồn nguyên vật liệu và chi phí sản xuất cũng rẻ hơn so với công nghệ hiện nay mà một số nước đang áp dụng.

>> Bán Tấm Pin Năng Lượng Mặt Trời Nhập Khẩu Chính Hãng Toàn Quốc

>> 10 Ứng Dụng Của Pin Năng Lượng Mặt Trời Trong Cuộc Sống

Hi vọng, sản phẩm pin mặt trời màng mỏng sẽ sớm được ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết tốt bài toán năng lượng tái tạo, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo thế giới.

Nguồn: https://solarmcgroup.com/