Một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá một công trình xanh đó là việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện, phục vụ sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt và sản xuất là ứng dụng vô cùng quan trọng.
>> Tư Vấn: Các Thương Hiệu Pin Năng Lượng Mặt Trời Phổ Biến Hiện Nay
Nội Dung Chính
Ứng dụng sử dụng năng lượng mặt trời đang phát triển thần kỳ
Thế giới hiện nay đang chứng kiến sự bùng nổ, tốc độ phát triển chóng mặt trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời. Theo số liệu thống kê cho đến hết năm 2016, tổng công suất điện mặt trời toàn cầu đạt khoảng 300GWp, chiếm khoảng 2% tổng nhu cầu điện điện năng của thế giới.
Một số quốc gia hiện nay đang dẫn đầu về công suất lắp đặt điện mặt trời có thể kể đến như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Bên cạnh đó, thế giới cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại một số quốc gia đang phát triển như: Ấn Độ, Thái Lan, Bỉ, Tây Ban Nha… Trong đó, Ấn Độ là quốc gia điển hình của việc gia tăng công suất đặt điện mặt trời từ mức chỉ vài chục MWp trong năm 2010 cho tới gần 9GWp năm 2016.
Tại Việt Nam, điện mặt trời cũng đang được quan tâm và định hướng phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, nước ta có tài nguyên điện mặt trời khá dồi dào, số giờ nắng trung bình năm cao, nguồn bức xạ nhiệt vào khoảng 2056 kWh/m2/năm, kéo từ các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cho tới Đồng bằng SCL. Chính điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cùng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ tấm pin năng lượng mặt trời đã cho ra những thế hệ pin mới có hiệu suất ngày càng cao, chi phí sản xuất, lắp đặt ngày càng thấp. Điều này đã thúc đẩy ứng dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, Chính phủ cũng đang thực hiện nhiều chính hỗ trợ. Điển hình, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, nội dụng của quyết định nêu rõ về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện mặt trời với bên mua điện, cơ chế bù trừ điện năng, quy định giá mua ưu đãi, việc miễn thuế nhập khẩu thiết bị đối với các dự án điện mặt trời nối lưới.
Một số công trình xanh, tòa nhà xanh sử dụng năng lượng mặt trời nổi tiếng trên thế giới
Công trình, tòa nhà phát triển bền vững hay “công trình xanh, tòa nhà xanh” có nhiều điểm khác biệt và có sự nổi trội hơn so với các công trình, tòa nhà truyền thống. Chúng được xây dựng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ít gây tác động tới môi trường xung quanh, thân thiện nhất với môi trường. Dưới đây là một những tòa nhà xanh, công trình xanh nổi tiếng nhất thế giới ứng dụng năng lượng mặt trời do Global Energy bình chọn:
Nhà thi đấu Velodrome, London, Anh
Tại Thế vận hội Olympic London 2012, người hâm mộ trên thế giới đã không khỏi ngạc nhiên trước sự bề thế, lộng lẫy và hiện đại của nhà thi đấu Velodrome. Công trình được thiết kế với kết cấu khung thép hyperbol và parabol. Xung quanh công trình bọc các tấm kính lớn bên ngoài để lấy ánh sáng mặt trời. Lớp vỏ phía trên được ốp gỗ Western Cedar đỏ, diện tích khoảng 5.000m2 với khẩu độ nhỏ cho phép thông gió tự nhiên. Phần mái của nhà thi đấu được thiết kế hơi cong, sử dụng các vật liệu nhẹ, hình dáng tổng thể mô phỏng đường đi đua xe đạp với cấu trúc mạng cáp. Đã có 16km cáp được sử dụng để bao phủ một diện tích 12.000m2, mỗi mạng cáp có trọng lượng từ 30kg/m2 đến 65kg/m2.
Tòa Marco Polo Tower, Hamburg, Đức
Đức luôn là một trong những quốc gia nằm trong top các nước có điện mặt trời phát triển nhất thế giới. Chính vì thế, tại Đức có rất nhiều tòa nhà bền vững, trong đó, tòa Marco Polo Tower là một ví dụ nổi bật. Tòa nhà được thiết kế bởi Behnisch Architecketen, chúng sử dụng năng lượng mặt trời thu được từ các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà để làm mát cũng như cung cấp nước nóng cho cư dân sinh sống tại các căn hộ. Cấu trúc mặt tiền được thiết kế lõm để tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Khách sạn Park Hotel, Hyderabad, Ấn Độ
Khách sạn Park Hotel là khách sạn đầu tiên tại Ấn Độ đạt chứng chỉ LEED (ra đời năm 1995, đây là một loại giấy chứng nhận cho các công trình “xanh” được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ. Đồng thời, là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về vấn đề bảo vệ môi trường sống của con người và xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng). Mặt tiền của khách sạn gây ấn tượng với vật liệu kim loại được đục lỗ và dập nổi trên hệ thống kính hiệu suất cao, giúp khuếch tán ánh sáng mặt trời vào không gian, tiết kiệm năng lượng chiếu sáng.
Tòa nhà Livestrong Foundation, Austin, Mỹ
Tòa nhà được xây dựng trên nền một nhà kho cũ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đây là trụ sở của Quỹ Livestrong (Quỹ từ thiện cho các bệnh nhân ung thư, được sáng lập bởi tay đua kiệt xuất mới bị truất ngôi – Lance Armstrong). Gần như toàn bộ vật liệu xây dựng từ nhà kho này được đưa vào sử dụng để xây nên kiến trúc mới đạt chứng chỉ về hiệu quả năng lượng, nước, thải ít khí CO2 và tận dụng tốt tài nguyên thiên nhiên địa phương. Các cửa sổ làm hoàn toàn bằng kính để tiếp nhận ánh sáng mặt trời hiệu quả nhất.
Trụ sở hãng Swarovski, hồ Zurich, Thụy Sỹ
Trụ sở hãng Swarovski được xây dựng cách thành phố Zurich 19,5km, nằm ở phía tây hồ Zurich. Đây là trụ sở làm việc của 500 nhân viên hãng chế tác pha lê Swarovski. Vật liệu thiết kế công trình này chủ yếu là kính trong suốt. Hệ thống sưởi ấm và làm mát sử dụng năng lượng từ nước hồ Zurich.
Tòa nhà Green Lighthouse, Đan Mạch
Tòa nhà Green Lighthouse sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời nhằm cung cấp một lượng điện lớn cho toàn bộ các thiết bị trong tòa nhà. Tổng năng lượng thu được từ hệ thống pin mặt trời luôn cao hơn so với nhu cầu sử dụng, nguồn điện dư thừa sẽ được bán cho nhà máy điện trong khu vực để hòa vào lưới điện chung. Ngoài ra, tòa nhà còn được gắn các linh kiện điện tử bên ngoài tường, các linh kiện này sẽ chuyển động theo hướng mặt trời, đồng thời, phát lệnh cho máy tính tự động đóng/mở cửa sổ, vừa hấp thu nhiệt, vừa đảm bảo đủ cường độ sáng nhất định.
Tòa nhà Council House 2, Australia
Tòa nhà sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện với diện tích 48m2 tấm pin mặt trời được lắp đặt, cung cấp khoảng 60% lượng nước nóng của tòa nhà. Trần nhà được xây dựng từ các khối bê tông đúc sẵn theo hình lượn sóng. Bên cạnh đó, trên mái nhà còn có các turbine gió giúp tạo ra nguồn điện vào ban ngày và làm sạch không khí vào ban đêm.
>> Ưu Điểm Và Nhược Điểm Của Năng Lượng Mặt Trời Bạn Nên Biết!
Có thể nói, việc sử dụng năng lượng mặt trời cho các công trình, tòa nhà là xu thế nổi bật hiện nay, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc, bảo vệ môi trường, giúp phát triển nguồn năng lượng quốc gia.
Nguồn: https://solarmcgroup.com/
Tôi là Phạm Hữu Tùng Lâm – chuyên viên tư vấn của Mạnh Cường Group về lĩnh vực Điện Năng Lượng Mặt Trời. Với kinh nghiệm 5 năm trực tiếp tư vấn và tham gia vào nhiều dự án lớn, nhỏ trên toàn quốc cũng như nước ngoài, tôi hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp ích cho các bạn, giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan hơn về sự cần thiết của Năng Lượng Mặt Trời. Nếu có gì còn thắc mắc các bạn vui lòng liên hệ qua số hotline hoặc comment trực tiếp vào bài viết để tôi có thể giải đáp cho các bạn ạ!