Tây Bắc là khu vực có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, kinh tế – xã hội. Đặc biệt, đây còn là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, trong đó có năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, dân cư khu vực Tây Bắc chủ yếu tập trung ở những vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên việc cấp điện cho phụ tải còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp hợp lý cung cấp điện năng cho khu vực Tây Bắc là một nhu cầu có tính cấp thiết cao.
>> Tư Vấn: Các Thương Hiệu Pin Năng Lượng Mặt Trời Phổ Biến Hiện Nay
Nội Dung Chính
Hiện trạng cấp điện cho khu vực Tây Bắc
Theo đặc điểm cung cấp năng lượng, khu vực Tây Bắc được phân chia thành 2 khu vực đó là: khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới có đặc điểm dân cư phân tán, nhu cầu năng lượng thấp, việc tiếp cận với lưới điện quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn và khu vực có điện lưới, tập trung tại các xã thuộc vùng thấp, gần trung tâm các huyện, điều kiện giao thông thuận lợi.
Theo số liệu ghi nhận, tại các vùng nông thôn, khoảng 70% lượng điện tiêu thụ dùng trong sinh hoạt. Trung bình một năm, bình quân đầu người hiện chỉ khoảng 60kWh/người/năm. Theo thống kê của Tổng cục điện lực EVN, số hộ gia đình nông thôn miền núi Tây Bắc có mức độ điện khí hóa thấp nhất cả nước mới đạt khoảng 74%.
Tình hình cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất tại các tỉnh khu vực Tây Bắc như sau:
+ Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo: Việc khai thác và đưa vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, khu vực xa với lưới điện quốc gia đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, nguồn năng lượng phụ thuộc thiên nhiên nên hiện nay, phần lớn các dự án cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo đều ở quy mô nhỏ, riêng lẻ, chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ chính phủ hay các tổ chức quốc tế.
+ Sử dụng điện lưới quốc gia: Đây là giải pháp hiệu quả nhất về mặt kinh tế – kỹ thuật. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ áp dụng được với khu vực gần trung tâm, những khu vực gần với lưới điện quốc gia.
+ Sử dụng máy phát diesel: Đây là hình thức được áp dụng phổ biến bởi chúng dễ vận hành và chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, việc sử dụng xăng, dầu trong thời buổi giá xăng dầu thế giới tăng cao cũng là cản trở lớn. Đồng thời, vấn đề ô nhiễm môi trường từ khí thải xăng dầu hiện cũng chưa có cách giải quyết hiệu quả. Do đó, thời gian sử dụng máy phát diesel trong ngày là không nhiều, chủ yếu phục vụ trong giờ cao điểm.
Có thể nói, tình hình cung cấp và sử dụng điện tại các tỉnh khu vực Tây Bắc còn gặp rất nhiều những khó khăn. Ba giải pháp trên đều chưa đảm bảo chất lượng và sự ổn định cao. Đối với các khu vực xa lưới điện quốc gia thì giải pháp hữu hiệu nhất đó là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho nhân dân, chiến sĩ tại khu vực này.
Tiềm năng năng lượng mặt trời tại các tỉnh Tây Bắc
Theo số liệu đo đạc được của Viện khí tượng thủy văn về số bức xạ mặt trời của Việt Nam trên cơ sở số liệu quan trắc nhiều năm ở 18 trạm đo bức xạ và 74 trạm đo nắng trên toàn quốc, khu vực Tây Bắc đạt từ 1800 – 2100 giờ nắng trong năm, có bức xạ mặt trời trung bình năm từ 4,1 – 4,9 kWh/m2/ngày. Đặc biệt, 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La có số ngày nắng và giờ nắng trong năm cao nhất. Điều này chứng tỏ khu vực Tây Bắc hoàn toàn có tiềm năng phát triển ngành năng lượng mặt trời. Ngoài ra, khu vực Tây Bắc không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió mùa, do đó, có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại đây.
Ứng dụng công nghệ điện năng lượng mặt trời cho các tỉnh Tây Bắc
Hiện nay, có 2 mô hình công nghệ cấp điện bằng pin mặt trời được ứng dụng tại khu vực Tây Bắc đó chính là: mô hình cấp điện đấu lưới quốc gia và mô hình cấp điện độc lập.
Mô hình cấp điện độc lập (ngoài lưới điện) là các hệ không nối lưới, có thể tự phát điện và cung cấp trục tiếp cho các hộ tiêu thụ. Mô hình này được sử dụng phổ biến 2 loại công nghệ: công nghệ cấp điện độc lập kết hợp nguồn điện mặt trời với các nguồn điện khác (gió, sinh khối, thủy điện nhỏ, diesel) và công nghệ cấp điện độc lập sử dụng pin mặt trời.
Hầu hết, các trạm điện mặt trời được triển khai lắp đặt tại khu vực Tây Bắc chủ yếu sử dạng pin mặt trời dạng đơn tinh thể và đa tinh thể. Bởi đây là những dạng pin khá phổ biến trên thị trường và có hiệu suất cao. Tuy nhiên, giá thành của các loại pin này còn cao và ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cũng làm khả năng làm việc bị giảm đi.
Gần đây, dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam được Ủy ban Dân tộc triển khai đã được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt công cộng và phúc lợi xã hội thiết yếu cho các xã, thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Dự án được xây dựng trên địa bàn 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện trong 8 tỉnh khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam. Tại khu vực Tây Bắc, bao gồm các tỉnh: Lai Châu 8 xã; Điện Biên 7 xã; Sơn La 5 xã; Cao Bằng 7 xã. Diện tích sử dụng đất của 70 xã thuộc dự án vào khoảng 111.440 m2. Tổng số vốn đầu tư toàn dự án là 197.273.931.255 VNĐ. Trong đó, số vốn vay là 134.133.255.480 VNĐ và số vốn đối ứng là 63.140.670.880 VNĐ.
Nội dung của dự án là đầu tư đồng bộ thiết bị cung cấp điện từ nguồn năng lượng mặt trời theo các hệ phụ tải tại địa bàn các xã nằm trong dự án. Mỗi xã sẽ được đầu tư đồng bộ với thiết bị thuộc các hệ điện mặt trời, cụ thể với các tỉnh khu vực Tây Bắc như sau:
+ Trạm nạp ắc – quy công suất: 800W
+ Trụ sở các UBND xã công suất: 600W
+ Trạm thu – phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh công suất: 600W
+ Trạm Y tế xã công suất: 400W
+ Nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản…) công suất: 400W
+ Tủ bảo quản vaccine công suất: 200W
>> Hướng Dẫn Cách Làm Tấm Pin Năng Lượng Mặt Trời Mini Đơn Giản
>> Bán Tấm Pin Năng Lượng Mặt Trời Nhập Khẩu Chính Hãng Toàn Quốc
Chắc chắn, nếu có định hướng, đường lối đầu tư đúng đắn, trong tương lai không xa, khu vực Tây Bắc sẽ trở thành một khu vực tiềm năng cho việc phát triển ngành năng lượng tái tạo. Đồng thời, là một trong những khu vực thu hút các chủ đầu tư trong và ngoài nước mở rộng và hợp tác điện mặt trời.
Nguồn: https://solarmcgroup.com/
Tôi là Phạm Hữu Tùng Lâm – chuyên viên tư vấn của Mạnh Cường Group về lĩnh vực Điện Năng Lượng Mặt Trời. Với kinh nghiệm 5 năm trực tiếp tư vấn và tham gia vào nhiều dự án lớn, nhỏ trên toàn quốc cũng như nước ngoài, tôi hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp ích cho các bạn, giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan hơn về sự cần thiết của Năng Lượng Mặt Trời. Nếu có gì còn thắc mắc các bạn vui lòng liên hệ qua số hotline hoặc comment trực tiếp vào bài viết để tôi có thể giải đáp cho các bạn ạ!