Việt Nam có tương đối nhiều các nhà máy thủy điện, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện đã và đang được nghiên cứu góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, ổn định nguồn điện lưới và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nội Dung Chính
Xây dựng nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện tại Việt Nam
Vào tháng 2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý cho Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, quy mô công suất là 47,5 MWp, dự kiến sản xuất lượng điện năng lên tới 69 triệu kWh/năm. Dự án được thực hiện trên 67ha diện tích đất và 57 ha diện tích phần trên mặt hồ.
Dự án điện mặt trời nổi hồ Đa Mi là một dự án nguồn điện độc lập chưa có tên tại danh mục nguồn điện nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn năm 2011-2020 có xét đến năm 2030. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt để bổ sung theo đúng quy định hiện hành.
Ngày sau đó, tháng 3/2017, công ty Solkiss (Hàn Quốc) đã có chuyến khảo sát tại hồ thủy điện Thác Bà, Yên Bái để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi. UBND tỉnh Yên Bái cam kết sẽ có những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với phía công ty để triển khai xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy này. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đề nghị phía Solkiss chú ý đến một số thủ tục về thẩm định dự án và giá bán điện.
Ngày 17/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã thông qua buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Hiện nay, toàn tỉnh có 13.000 ha lòng hồ Thủy điện Sơn La và 7.900 ha lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Về vấn đề này, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu đề xuất và báo cáo Thủ tướng.
Năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Bộ Công Thương để xem xét, thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 8 dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Trị An. Dự kiến, tổng công suất toàn dự án đạt 5.400MWp trên diện tích hơn 7.100ha.
Dự án điện mặt trời Trị An 1 và Trị An 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự án được chia thành 2 khu vực bao gồm phần mặt đất tự nhiên và phần trên mặt hồ, vùng bán ngập, phần mái đập với với tổng diện tích khoảng 176,4ha, tổng công suất dự kiến của dự án khoảng 126MWp.
Bên cạnh đó, dự án nhà máy điện mặt trời nổi Trị An, Đồng Nai do Công ty TNHH Phước An (tỉnh Vĩnh Phúc) liên doanh cùng với một số công ty đề xuất tại phần lớn diện tích trên mặt hồ Trị An, thuộc địa giới hành chính của huyện Định Quán với tổng diện tích trên 1.610ha, tổng công suất dự kiến lắp đặt là 1.000MWp. Công ty TNHH tư vấn công nghệ và đầu tư THT (Hà Nội) đề xuất tại huyện Định Quán trên diện tích gần 1.700ha, tổng công suất dự kiến khoảng 1.500MWp.
Một số dự án còn lại bao gồm: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời VNT trên hồ Trị An tại một số xã thuộc các huyện Thống Nhất, Định Quán với công suất dự kiến khoảng 600MWp. Công ty cổ phần Le Delta (Hà Nội) thực hiện dự án điện mặt trời hồ Trị An đề xuất tại huyện Vĩnh Cửu trên diện tích hơn 1.200ha, với công suất khoảng 1.000MWp. Còn các dự án còn lại đều có công suất khoảng trên 50MWp.
Tuy nhiên, hiện nay Đồng Nai vẫn chưa có dự án điện mặt trời lớn nào được phê duyệt chính thức.
Điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện phát triển như thế nào trên thế giới?
Trong một vài năm trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ sản xuất ngay trên mặt nước sông hồ, thậm chí là mặt nước biển. Israel là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng và thí điểm công nghệ này.
Hãng Solaris Synergy của Israel đã nghiên cứu việc phát triển điện mặt trời nổi trên mặt nước. Để giảm chi phí sử dụng các tấm silicon lớn, hãng này đã chia nhỏ chúng rồi “thả” trên mặt nước như đồ chơi Lego và được bao phủ bởi một tấm phim tráng gương có hình cong. Kết quả là chỉ cần 5% lượng silicon trên bề mặt của thiết bị, giảm được chi phí đắt đỏ của loại vật liệu này.
Việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời thường chiếm một lượng lớn diện tích đất. Và để hạn chế điều này, hãng Solaris Synergy đã được các thiết bị biến đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng trên bề mặt nước ngọt, nước mặn và nước thải. Việc sử dụng những tấm pin mặt trời nổi còn giúp giảm đáng kể sự bay hơi của nước, ngăn chặn sự phát triển của tảo và các sinh vật hữu cơ trong nước.
Ngoài Israel, một số quốc gia phát triển khác như Anh, Úc, Ấn Độ và Ý cũng đã triển khai xây dựng các nhà máy điện mặt trời nổi. Đặc biệt tại Nhật Bản, quốc gia có tiềm năng về các hồ kiểm soát lũ, hồ tích nước, toàn bộ đất nước còn được bao bọc bởi đại dương.
Nhà máy điện mặt trời Yamakura nằm trên mặt hồ chứa đập Yakamura ở Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản sử dụng gần 180.000m2 hồ để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến đủ cung cấp điện cho 5.000 hộ gia đình tại địa phương.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng một số nhà máy điện mặt trời trên khắp cả nước nhằm mục tiêu thay thế tất cả các nhà máy nhiệt điện cho đến năm 2027.
Gần đây nhất, tập đoàn Sungrow Power Supply đã hoàn tất công trình nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới nằm ở khu vực hồ nước lớn trên các hố khai thác than đá lâu năm. Nhà máy có thể sản xuất được 40MW điện, cung cấp điện cho 15.000 hộ dân.
>> Hàng Loạt Ứng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Trong Đời Sống Hàng Ngày
Việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện đang là xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu được khai thác và thực hiện một cách hiệu quả thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực, cải thiện GDP và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Nguồn: https://solarmcgroup.com/
Tôi là Phạm Hữu Tùng Lâm – chuyên viên tư vấn của Mạnh Cường Group về lĩnh vực Điện Năng Lượng Mặt Trời. Với kinh nghiệm 5 năm trực tiếp tư vấn và tham gia vào nhiều dự án lớn, nhỏ trên toàn quốc cũng như nước ngoài, tôi hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp ích cho các bạn, giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan hơn về sự cần thiết của Năng Lượng Mặt Trời. Nếu có gì còn thắc mắc các bạn vui lòng liên hệ qua số hotline hoặc comment trực tiếp vào bài viết để tôi có thể giải đáp cho các bạn ạ!