Điện Mặt Trời Tại Việt Nam Đạt 7 Gigawatt Vào Năm 2020

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2019 và 2020. Với một nền kinh tế đang trên đà phát triển nhanh như Việt Nam, việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, trong đó sử dụng điện mặt trời để đảm bảo nhu cầu năng lượng là điều dễ hiểu. Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ) ước tính điện mặt trời tại Việt Nam sẽ đạt ít nhất 7 Gigawatt trong năm 2020.

>> Việt Nam Hướng Tới Mục Tiêu 1.000MW Điện Mặt Trời Trên Mái Nhà Vào Năm 2020

>> Hỗ Trợ, Khuyến Khích Người Dân Lắp Đặt Điện Mặt Trời Mái Nhà Tại Huế

Phát triển cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời tại Việt Nam

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ), tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện năng lượng mặt trời mặt đất tại Việt Nam hiện nay đã đạt ít nhất 7 Gigawatt và hoàn toàn có thể vượt mục tiêu quốc gia là 0,8 Gigawatt vào năm 2020.

Điện mặt trời tại Việt Nam đã đạt 7 Gigawatt (GW) và vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020
Điện mặt trời tại Việt Nam đã đạt 7 Gigawatt (GW) và vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020

Khi thị trường bắt đầu phát triển, đặc biệt trong xu thế chi phí đầu tư và tài chính của các dự án điện mặt trời ngày càng giảm, tiềm năng kinh tế điện mặt trời trong giai đoạn năm 2021 – 2030 có thể đạt tới mức vài trăm Gigawatt, vượt xa mục tiêu đề ra vào năm 2030 là 12 Gigawatt. Đây là những kết quả quan trọng đã được Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ) đưa ra trong buổi “Hội thảo tổng kết, đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030” ngày 24/1/2019.

Bản báo cáo này một lần nữa khẳng định Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để triển khai các dự án điện mặt trời.

Hiện nay, đa số các dự án điện năng lượng mặt trời mặt đất chủ yếu được triển khai tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, sẽ có thêm nhiều dự án điện mặt trời tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam, bao gồm các tỉnh như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, một số khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Bà Sonia Lioret, trưởng dự án 4E của GIZ cho biết: “Chúng tôi hi vọng rằng báo cáo đánh giá quốc gia này sẽ là một nguồn tham khảo bổ ích cho những nhà hoạch định chính sách và các đối tác khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Những hoạt động đánh giá là cơ sở quan trọng bởi nó giúp cho Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo và đạt được các mục tiêu trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bên cạnh đó, từ kết quả của những hoạt động này, phần nào có thể được sử dụng để phát triển cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam trong tương lai, bà Sonia Lioret cho biết thêm.

Dự án tổ hợp điện mặt trời lớn nhất Việt Nam tại Ninh Thuận
Dự án tổ hợp điện mặt trời lớn nhất Việt Nam tại Ninh Thuận

Quá trình đánh giá được các chuyên gia thực hiện theo 2 hướng tiếp cận từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Căn cứ vào một số tiêu chí khác nhau như bức xạ mặt trời, hệ thống cơ sở hạ tầng đường xá, diện tích đất sử dụng, mạng lưới điện kết hợp với phần mềm hệ thống thông tin địa lí để cho ra kết quả sơ bộ.

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, nêu rõ các dự án điện mặt trời ở Việt Nam được phép bán điện với mức giá cố định là 9,35 cent Mỹ/kWh lên lưới điện quốc gia. Theo đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT đưa ra các hướng dẫn cần thiết để triển khai quyết định này.

Công suất điện mặt trời ở Việt Nam đạt kì vọng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, Việt Nam có đến 82 nhà máy điện mặt trời với tổng cộng suất 4,45 GW đã được hòa vào lưới điện quốc gia. EVN đã điều kiện để hưởng biểu giá quy định trong chương trình “feed-in-tariff” (FIT).

Biểu giá FIT là chương trình thanh toán hỗ trợ đối với các chủ đầu tư là các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo đã hòa vào lưới điện chung.

Tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam được lắp đặt trong giai đoạn 2010 - 2019 dẫn đầu tại Đông Nam Á. (Nguồn: Trung tâm Năng lượng ASEAN)
Tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam được lắp đặt trong giai đoạn 2010 – 2019 dẫn đầu tại Đông Nam Á. (Nguồn: Trung tâm Năng lượng ASEAN)

Đặc biệt, thông báo của Chính phủ năm 2017 đóng vai trò trọng tâm trong sự phát triển nhanh chóng của ngành điện mặt trời Việt Nam trong thời gian qua. Đơn cử, với các dự án được đưa vào hoạt động trước tháng 6/2019 sẽ đủ điều kiện nhận hợp đồng FIT với mức giá 0,0935 USD/kWh (tương đương 2.165 đồng/kWh) trong thời hạn 20 năm.

Ông David Dixon, nhà phân tích cao cấp tại nhóm năng lượng tái tạo của Rystad Energy cho biết: “Năng lực vận hành điện mặt trời tại Việt Nam đã vượt kì vọng của chúng tôi”.

Trước những lo ngại về nguồn vốn đối với các dự án mới, ông Rishab Shrestha, nhà phân tích về năng lượng tái tạo của Wood Mackenzie cho biết, các dự án điện mặt trời được tài trợ từ các ngân hàng thương mại trong khu vực cũng như ở địa phương, ngoài ra, chúng có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. “FIT đã được chứng minh là một công cụ chính sách hiệu quả để tạo ra tăng trưởng nhanh chóng trong ngành năng lượng tái tạo và Việt Nam chính là một ví dụ”, ông Rishab Shrestha nhấn mạnh thêm.

>> Xu Hướng Phát Triển Năng Lượng Mặt Trời Ở Việt Nam

>> Top 10 Nhà Máy Điện Năng Lượng Mặt Trời Lớn Nhất Đông Nam Á

Với việc ban hành những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, chắc chắn, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư năng lượng mặt trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguồn: https://solarmcgroup.com